TỌA ĐÀM KỈ NIỆM 37 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982-20/11/2019)
Lượt xem:
Nhớ trường!!! Đó là bài thơ mà thầy giáo Phạm Đình Định – nguyên giáo viên bộ môn Toán – gửi tới buổi tọa đàm.
Ngày 19/11/2019, trường THPT Ea H’Leo tổ chức tọa đàm kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Các quý vị đại biểu, khách mời của các cơ quan, tổ chức đã đến dự và chúc mừng tập thể Nhà trường.
Thầy Phạm Văn Chí, hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu diễn văn ôn lại truyền thống trang trọng sâu sắc của ngành Giáo dục nước nhà.
Tập thể cán bộ Giáo viên nghỉ hưu đến dự tọa đàm cùng cô Lưu Thị Ninh, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, phát biểu cảm động gửi đến lời chúc sức khỏe thành công đến tất cả mọi người.
Buổi tọa đàm sôi động trong tiếng nhạc, âm thanh reo vui nhận các phần thưởng, những huy chương Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, trong chuỗi các hoạt động hướng tới lập thành tích chào mừng ngày 20/11.
Và trong không khí nghiêm trang của buổi kỉ niệm, ta xúc động bồi hồi trong phát biểu của cô giáo Hoàng Thị Kim Tuyến, đại diện tập thể Sư phạm nhà trường: “… Tháng 11 ùa về giữa biết bao bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật. Ta nao lòng khi nghe đâu đó hậu quả của thiên tai gây mất mát, đau thương. Ta hào hứng bởi tiếng hò reo dậy sóng của hàng triệu trái tim tự hào trước bàn thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Riêng với những người cầm phấn như nghề giáo chúng ta, tháng 11 đến khiến chúng ta nao nao những cảm xúc khó tả bởi đó là tháng truyền thống của ngành…
… Sống trong kỉ nguyên hiện đại, với công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, nghề giáo chúng ta có được những thuận lợi hơn các bậc tiền bối, nhưng Có lẽ chưa bao giờ nghề giáo của chúng ta lại phải đứng trước không ít những khó khăn, thử thách và cả những áp lực đến từ xã hội hiện đại. Điều đó , khiến cho việc dạy chữ, dạy người, của chúng ta trở nên khó khăn, khiến cho những người làm công việc cao quý như chúng ta không khỏi chạnh lạnh.
Song, mỗi thời đại một khó khăn, các thế hệ nhà giáo đi trước của chúng ta phải đối mặt với những thử thách thiếu thốn về mặt vật chất, loay hoay với bao suy tư tất bật đời thường nhưng tâm vẫn sáng, chí vẫn bền lòng để giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết với nghề truyền lại cho thế hệ sau. Cho nên, những lớp người sau như chúng ta ngày này, đầy đủ về vật chất lại áp lực với dư luận xã hội, với yêu cầu đổi mới giáo dục cũng là lẽ thường tình.
Công việc của chúng ta, không chỉ là người truyền lửa mà còn là người giữ lửa, người thổi lửa không chỉ với người học mà cả với những người đang nối gót chúng ta trong nghiệp trồng người. Công việc của chúng ta không phải tạo ra sản phẩm trước mắt mà thành quả nằm ở tương lai. Công việc của chúng ta không đơn thuần kiến tạo ra sản phẩm mà kiến tạo con người, và kiến tạo con người tức là kiến tạo xã hội. dạy chữ mà còn dạy làm người. Bởi thế chúng ta vinh dự được gọi là người kĩ sư tâm hồn, người chèo đò, đưa đò. Bởi thế, những đạo lý từ xa xưa với người thầy vẫn luôn được nhắc nhở dù trải qua bao năm tháng của thời gian: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Không thầy đố mày làm nên. Mạch nguồn ấy chính là sức mạnh để chúng ta thêm yêu người, yêu đời, yêu nghề, giữ vững sự chân chính và cao quý của nghề giáo. Cho nên, dù phải đối mặt với muôn vàn áp lực từ cuộc sống thường nhật, ta vẫn luôn tự hào là một nhà giáo Việt Nam…
… Thay mặt đồng nghiệp của mình xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc trước sự quan tâm, yêu mến, tin tưởng của các cấp lãnh đạo, quý bậc phụ huynh đối với tập thể sư phạm nhà trường. Cảm ơn các bậc tiền bối đã luôn đồng hành, sát cạnh và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho thế hệ hậu bối chúng em. Cảm ơn các em học sinh vì tinh thần học tập, ý chí cầu tiến của các em đã trở thành nguồn lực mạnh mẽ khiến thầy cô không ngừng đổi mới. Xin được gửi đến các quý vị đại biểu, quý bậc phụ huynh và các bậc tiền bối lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc các em học sinh luôn tìm thấy niềm say mê trong học tập để trở thành người công dân tốt của xã hội!”.
Tháng 11, tháng tự hào của ngành giáo.
Chân thành cảm ơn tất cả.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI BUỔI LỄ
(Các hình ảnh khác mời quý thầy cô, học sinh,… xem tại mục Thư viện ảnh)